Viết content - Tư duy đi từ người đọc
Có một vấn đề khá phổ biến mà có lẽ chúng ta gặp thường xuyên nhưng lại không mấy để ý đó chính là tạo những content mà người đọc đọc xong chẳng mấy quan tâm hay hứng thú. Thậm chí là những bài nội dung được viết ra mang những thông tin vô bổ mà "gian cư mận" hay gọi là những bài viết "vô tri". Mà nguyên nhân dẫn đến điều này đó chính là người viết content chưa thực sự hiểu đối tượng người đọc của mình.
Do đó ở topic ngày hôm nay mình xin chia sẻ một chút kinh nghiệm của mình về khía cạnh này. Đó là làm sao để viết content hay - Tất cả đều phụ thuộc vào tư duy từ người đọc.
Vì sao phải bắt đầu từ suy nghĩ người đọc?
Trước tiên chúng ta hãy tiếp xúc một chút về những khái niệm cơ bản của Marketing nhé - Sẽ hơi "nhức nhức cái đầu" nhưng mà đây là kiến thức nền tảng vô cùng hữu ích cho quá trình viết content cũng như theo đuổi nghề sau này.
Bạn đã từng nghe về mô hình tháp nhu cầu Maslow chưa? Và viết content có liên quan gì với tháp nhu cầu của Maslow?
Trước hết chúng ta cần biết về mô hình tháp nhu cầu Maslow:
Mô hình tháp nhu cầu của Maslow, còn được gọi là "Tháp nhu cầu Maslow", là một lý thuyết trong lĩnh vực tâm lý học đề cập đến các nhu cầu căn bản của con người. Mô hình này được đề xuất bởi Abraham Maslow, một nhà tâm lý học người Mỹ, vào những năm 1940 và 1950.
Theo mô hình của Maslow, nhu cầu của con người được chia thành năm cấp bậc khác nhau, từ cấp bậc căn bản nhất đến cấp bậc cao nhất. Các cấp bậc này bao gồm:
Nhu cầu sinh lý: Đây là nhu cầu căn bản nhất như nhu cầu về thức ăn, nước uống, giấc ngủ và sinh sản. Nếu những nhu cầu này không được đáp ứng thì các nhu cầu khác trên tháp sẽ trở nên không quan trọng.
Nhu cầu an toàn: Bao gồm nhu cầu về sự an toàn vật chất như mái ấm, quần áo, công việc ổn định, an ninh và bảo vệ cá nhân.
Nhu cầu xã hội: Theo mô hình của Maslow, khi các nhu cầu căn bản đã được đáp ứng, con người bắt đầu tìm kiếm sự gắn kết xã hội và tương tác với người khác. Nhu cầu này bao gồm tình yêu, tình bạn, gia đình và cảm giác thuộc về một nhóm.
Nhu cầu được công nhận giá trị: Cấp bậc này đề cập đến nhu cầu muốn cống hiến cho một mục tiêu lớn hơn bản thân như phát triển cá nhân, thành công nghề nghiệp và được công nhận cho đóng góp của mình.
Nhu cầu thể hiện bản thân: Đây là cấp bậc cao nhất của mô hình, mô tả nhu cầu của con người muốn đạt được tiềm năng tối đa của mình. Nhu cầu này liên quan đến việc tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống, tự nhận thức và phát triển cá nhân.
Theo Maslow, người ta cần đáp ứng các nhu cầu ở cấp bậc thấp hơn trước khi có thể tiếp tục với các cấp bậc cao hơn trên tháp. Mô hình tháp nhu cầu Marshalow đã từng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như tâm lý học, giáo dục và quản lý tổ chức để hiểu và đáp ứng nhu cầu của con người.
Do đó với việc bắt đầu từ suy nghĩ người đọc chính là một phương pháp hiệu quả để tạo ra một bài viết hấp dẫn, gần gũi với người đọc. Chỉ cần bạn xác định rõ người đọc đang quan tâm đến gì và bạn muốn đạt được mục tiêu gì để rồi kết nối lại với nhau để tạo ra một bài content đúng ý.
Như đã kể trên nhu cầu của người đọc cũng được chia theo 5 cấp bậc như mô hình Maslow, gồm: Nhu cầu tiềm ẩn của người đọc từ nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được công nhận giá trị, nhu cầu thể hiện bản thân.
Chỉ có đặt mình vào tư duy của người đọc và hiểu được những gì mà họ quan tâm, họ muốn biết nhưng thông tin gì. Có như vậy thì bạn mới có thể viết ra được những content có ý nghĩa và hữu ích hơn đối với người đọc.
Thêm nữa việc hiểu người đọc muốn gì sẽ mang đến rất nhiều lợi ích đó chính là:
- Giúp bạn xác định rõ mục tiêu của bài viết content sắp viết, cụ thể là bài viết viết về cái gì, viết cho ai đọc, thông điệp truyền tải là gì? Có như vậy bạn mới có thể viết một cách thuyết phục và thực tế hơn.
- Có tư duy đi từ người đọc trước khi viết bài sẽ giúp bạn lên kế hoạch triển khai rõ ràng cũng như có thể tạo nên những chương trình tương tác với người đọc, chẳng hạn như đặt ra những câu hỏi, gợi ý về vấn đề nào đó mà người đọc đang đối mặt để từ đó khơi gợi sự quan tâm, thúc đẩy người đọc tham gia thảo luận. Từ đó có thể giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng hơn để viết content.
- Khi bạn bắt đầu từ những gì mà người đọc đang nghĩ gì, có mong muốn gì và bạn cung cấp giải pháp, đưa ra thông tin hữu ích thì nghiễm nhiên bạn sẽ nhận được sự tin tưởng từ người đọc - Một người đáng để người đọc theo dõi.
- Có hiểu được người đọc muốn gì, suy nghĩ gì sẽ giúp bạn tạo nên nội dung hấp dẫn hơn, thu hút người đọc tiếp tục đọc, chia sẻ và tương tác với content của bạn hơn. Đồng thời sẽ giúp tăng tương tác và chia sẻ thông điệp mà bạn truyền tải đến lượng lớn người khác.
- Giúp bạn đạt được mục tiêu của mình - Mục tiêu đó có thể là tăng lưu lượng truy cập, tăng tương tác hay xây dựng thương hiệu, mong muốn bán hàng... Do đó việc hiểu rõ người đọc sẽ giúp bạn đi đúng hướng để đạt được thành công trong các mục tiêu này.
Một số những sai lầm chủ quan của người viết content khi không bắt đầu từ người đọc:
Thông thường đối với những bạn mới bắt đầu viết content thường hay mắc phải những sai lầm như sau:
- Không hiểu đối tượng người đọc mà nội dung mình viết hướng đến là ai - Khi bạn không hiểu rõ được đối tượng người đọc mục tiêu thì bạn sẽ không thể cung cấp những thông tin hữu ích mà người đọc đang quan tâm. Từ đó tạo nên sự tương tác vô cùng ít ỏi hoặc tệ nhất là không có ai quan tâm.
- Viết không rõ ràng và cấu trúc không mạch lạc - Khi bài viết của bạn không có cấu trúc rõ ràng cũng như không nêu được điểm mấu chốt, không có tính khơi gợi cảm hứng ở người đọc sẽ khiến cho người đọc gặp khó khăn rất nhiều trong việc tiếp thu thông tin và hiểu ý nghĩa từ bài viết của bạn.
- Sử dụng ngôn ngữ gây khó hiểu với người đọc - Có hiểu được đối tượng người đọc là ai, họ bao nhiêu tuổi, họ thường làm nghề gì, trình độ học vấn của họ,... thì khi viết content bạn sẽ mang văn phong với ngôn ngữ phù hợp. Nếu như bạn sử dụng những từ ngữ mang tính chuyên ngành, quá phức tạp hoặc quá khó hiểu so với đối tượng người đọc đang hướng đến. Hoặc ngược lại đối tượng người đọc của bạn là những người chững chạc, nghiêm túc mà ngôn ngữ bạn dùng lại quá "teen" thì rõ ràng người đọc sẽ không mấy quan tâm đến bài của bạn cũng như thông điệp mà bạn muốn truyền tải đến là không hiệu quả.Và đây cũng là một trong những sai lầm vô cùng nghiêm trọng của những bạn mới bắt đầu với lĩnh vực Content writer.
- Thiếu sự phân tích và nghiên cứu: Nhiều bạn khi viết bài thường có thói quen viết tùy ý, theo cảm tính - Cái này mình khuyên bạn nên bỏ thói quen này đi. Bởi những nội dung mà được viết không có sự nghiên cứu, không có sự phân tích kỹ lưỡng sẽ vô tình tạo nên bài viết cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác và không đáng tin cậy. Do đó người viết content nên tập cho mình thói quen xác minh thông tin, tạo bài viết có sự phân tích kỹ lưỡng và mang tính khách quan.
- Bài viết lại thiếu đi sự mới mẻ, khác biệt - Người đọc sẽ cảm thấy nhàm chán, không gợi lên được sự hứng thú khi nhìn thấy bài của bạn. Do đó bài viết của bạn thường dễ bị bỏ qua, ít sự tương tác với người đọc hơn. Chính vì vậy chỉ cần bạn phát huy sự sáng tạo và cố gắng tạo các nội dung khác biệt, phù hợp với đối tượng người đọc nhé.
- Thiếu đi sự kiểm tra và chỉnh sửa, trau chuốt - Nếu như bạn bỏ qua bước này này vô hình chung sẽ tạo nên thói quen không tốt và thể hiện sự kém chuyên nghiệp, không có sự chỉn chu trong nghề. Những lỗi như sai chính tả, sai ngữ pháp, cấu trúc, câu từ lủng củng, lan mang sẽ khiến cho bạn bị người dùng nhìn nhận và đánh giá kém, không uy tín.
- Thiếu đi sự tương tác và phản hồi với người đọc - Đây cũng là một trong những sai lầm thường gặp ở người viết content và khiến cho người viết không hiểu suy nghĩ và ý muốn của người đọc là gì. Bạn có thể tạo ra một môi trường tương tác với người đọc bằng cách tạo những câu hỏi, gợi ý một vấn đề ý kiến nào đó và tạo một phần để người đọc có thể dễ dàng tương tác, chẳng hạn như phần bình luận hoặc là một kênh giao tiếp khác.
Làm thế nào để hiểu được suy nghĩ người đọc?
Để có thể hiểu được suy nghĩ, mong muốn, tâm tư của người đọc thì bạn có thể áp dụng một số cách sau để rèn luyện cho mình một thói quen để hiểu suy nghĩ người đọc nhé:
- Cần nghiên cứu đối tượng người đọc - Bạn có thể tiến hành làm một bài khảo sát từ các kênh như Facebook, Email, Instagram hay Tiktok,... để thăm dò ý kiến hoặc tương tác trực tiếp với nhóm đối tượng người đọc mà bạn muốn hướng đến để khám phá ý kiến, quan điểm và những gì mà họ quan tâm. Ngoài ra những thông tin như độ tuổi, giới tính, nơi ở, sở thích, thói quen, hành vi, những yếu tố tâm lý khác cũng giúp bạn hiểu rõ hơn về đối tượng người đọc của mình.
- Tiếp nhận, đọc và phân tích những phản hồi từ người đọc: Việc chú ý đến những phản hồi từ người đọc thông qua các kênh như phần bình luận, email, tin nhắn trực tiếp,... Cũng sẽ giúp bạn hiểu được suy nghĩ và ý kiến nhìn nhận của người đọc. Từ đó sẽ giúp cho bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về cảm nhận, quan điểm, cảm xúc của người đọc đối với bài viết của bạn hơn.
- Quan sát và theo dõi các dữ liệu trực quan: Ngoài những kênh mà bạn có thể phân tích người đọc của mình như Facebook, Email,... thì thông qua các công cụ phân tích như Google Analytics kết nối từ Website/ Blog của bạn cũng giúp bạn hiểu rõ hành vi đọc và tương tác của người đọc hơn. Những thông tin này vô cùng hữu ích bởi vì đôi khi chính người đọc sẽ không nhận thức được mà chỉ thông qua công cụ đo lường mới đánh giá được. Ngoài ra công cụ Google Analytics còn giúp bạn có thể biết được số lần truy cập, thời gian ở lại trang, tỷ lệ chuyển đổi,... Qua đó sẽ giúp bạn đánh giá được tính hiệu quả của bài viết của mình.
- Tạo môi trường giao tiếp mở: Việc tạo nên một kênh giao tiếp mở mà ở đó người đọc có thể dễ dàng tương tác với bạn là một điều vô cùng cần thiết. Điều này cũng góp phần giúp bạn gắn kết và xây dựng mội mối quan hệ mật thiết với người đọc hơn. Bạn có thể tạo khả năng phản hồi và tương tác với người đọc thông qua phần bình luận, qua mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo,...) hoặc Email, Zalo,... Nhờ việc tạo một môi trường giao tiếp mở như vậy sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ của người đọc hơn.
Người xưa có câu "Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng" - Có như vậy cũng đủ thấy được tầm quan trọng của tư duy đi từ người đọc rồi. Chỉ cần hiểu được đối tượng mà mình viết bài hướng đến là Ai - Làm nghề gì - Họ thích gì - Họ đang gặp phải vấn đề gì - Họ muốn gì - ... Thì có như vậy bài viết content của bạn mới nhận được sự đón nhận tích cực từ người đọc được.
Hy vọng rằng qua những gì được chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm để bắt đầu với nghề content writer nhé. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì hoặc muốn được tìm hiểu cụ thể hơn về một vấn đề nào đó có liên quan đến content thì hãy để lại vài lời bình luận ở bên dưới nhé.