Giỏi văn mới viết được content? Thế nào là content hiệu quả?
Có cần giỏi văn để trở thành một Content Writer hay không?
Trong thời đại phát triển công nghệ như hiện nay, sự xuất hiện của các nền tảng số đã khiến cho hoạt động giao tiếp của con người ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện. Các doanh nghiệp cũng phát sinh một nhu cầu rất lớn sản xuất nội dung để đáp ứng hoạt động giao tiếp, quảng bá thương hiệu trên các nền tảng này.
Các nền tảng số phổ biến hiện nay như: mạng xã hội (facebook, youtube, tiktok…), sàn thương mại điện tử, website…vv
Đó chính là lý do Content Marketing - tiếp thị nội dung ra đời!
Content marketing là hoạt động sáng tạo nội dung với chủ đích thu hút và tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp. Content marketing bao gồm các thể loại: bài viết, hình ảnh, video, audio, hoạt động phản hồi, tương tác với khách hàng…. Là tất cả những gì mà khách hàng nghe, thấy, đọc hay cảm nhận được từ thương hiệu!
Như vậy, khác với lối viết văn học thiên về sáng tác, nghệ thuật (thể hiện tâm tư tình cảm của tác giả đối đời sống, phản ánh hiện thực…), content marketing hướng tới mục đích giao tiếp hiệu quả với khách hàng, nhằm tạo mối liên hệ mật thiết, thúc đẩy khách hàng yêu mến, sử dụng và gắn bó với doanh nghiệp.
Như vậy, nếu như bạn có sẵn năng khiếu về ngôn ngữ, đó có thể là một lợi thế giúp bạn thuận lợi trong việc diễn đạt, sáng tạo. Tuy nhiên, cốt lõi của content marketing là viết đúng những gì khách hàng muốn nghe, cần nghe, đúng vấn đề họ quan tâm và truyền đạt được thông điệp cốt lõi của thương hiệu nhằm tạo nên mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng.
Content marketing có thể không cần quá giỏi về ngôn từ, thủ pháp những cần đi đúng hướng, đúng trọng tâm, đạt được hiệu quả và mục đích đề ra.
Như vậy, bạn không nhất thiết phải có năng khiếu ngôn ngữ vượt trội, biết cách diễn đạt ngôn từ bay bổng, nghệ thuật để trở thành một content writer. Ngôn ngữ là thứ chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày để giao tiếp, do đó bất kì ai trong chúng ta cũng có khả năng sử dụng nó.
Tuy nhiên, để trở nên sáng tạo và giỏi hơn trong kỹ năng viết thì chúng ta cũng cần trau dồi liên tục về vốn từ, các phương pháp sáng tạo…vv để ngòi bút trở nên sắc bén, ngày càng có sức nặng và hiệu quả hơn.
Những yếu tố tạo nên một Content thu hút, hiệu quả?
Một content hiệu quả là content đạt được mục đích đề ra.
Để tạo ra những sản phẩm content chất lượng, hiệu quả chúng ta cần quan tâm các yếu tố sau:
Hiểu rõ về sản phẩm, thương hiệu, tính chất ngành
Đây gần như là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên cần nắm rõ, trước khi viết content marketing.
Hiểu sản phẩm là chúng ta hiểu những đặc điểm, lợi ích mà sản phẩm mang lại. Đâu là những điểm đặc trưng, độc đáo, khác biệt của sản phẩm mà không tìm thấy ở sản phẩm cùng ngành?
Sự khác biệt, độc đáo này có dễ copy, sao chép không?
Định vị của thương hiệu là gì, đâu là những giá trị cốt lõi mà thương hiệu theo đuổi?
Ví dụ, một đơn vị về tour du lịch định vị thương hiệu là “tốt hơn mong đợi”.Từ đó các hoạt động quản lý, tổ chức kinh doanh của đơn vị này đều bám sát sợi chỉ đỏ đưa ra. Khi viết bài truyền thông chúng ta cũng cần chỉ ra được những điểm độc đáo, khác biệt này của sản phẩm. Đồng thời sản phẩm truyền thông cũng không được đi ngược lại định vị này!
Những câu chuyện đằng sau sản phẩm, dịch vụ là gì?
Đâu là những hay câu chuyện hay về thương hiệu có thể tạo nên cảm nhận tích cực hoặc truyền cảm hứng tới khách hàng?
Khi hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và những câu chuyện đằng thương hiệu đó content writer sẽ có nhiều chất liệu để lên ý tưởng, tổ chức các bài viết của mình một cách phong phú, hiệu quả.
Hiểu rõ đối tượng khách hàng: “viết cho ai?”
“ Khách không mua vì lời hay ý đẹp, khách mua hàng vì bạn “gãi đúng chỗ ngứa” của họ”
Để tạo ra nội dung hấp dẫn và thu hút khách hàng, người làm content marketing cần hiểu rõ nhu cầu, mong muốn và tâm lý của khách hàng.
Khách hàng chúng ta đang hướng đến là ai? Họ có những đặc điểm gì? Xu hướng hành vi và thói quen của họ là gì?
Họ đang quan tâm, mong muốn, khát khao, sở hữu điều gì? Đâu là những nỗi đau họ đang trải qua? Điều gì dẫn đến sự bế tắc, tuyệt vọng nơi họ?
Sự thấu hiểu khách hàng khiến chúng ta có sự nhạy cảm để định hình nội dung phù hợp. Chúng ta sẽ biết cách lựa chọn chủ đề đúng, đáp ứng được sự mong đợi từ khách hàng. Và biết sẽ cần phải nói gì với họ?
Chúng ta cũng sẽ hiểu được những thói quen nghe, xem, đọc… của họ ra sao?
Họ thích xem những nội dung được trình bày như thế nào video, hình ảnh, bài viết hay audio? Khung giờ xem họ mong muốn? Họ mong đợi gì ở cách chúng ta tương tác và phản hồi?
Đó là những yếu tố và chìa khoá rất cốt lõi, để chúng ta thiết lập được sự kết nói và xây dựng một mối quan hệ vững chắc với khách hàng.
Nếu không hiểu rõ khách hàng, chúng ta sẽ rất loay hoay không biết nên viết hay không nên viết điều gì để đáp ứng mong đợi của họ.
Có ngôn ngữ và phong cách riêng
Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng là công cụ để biểu hiện ý tưởng và chiến lược nội dung. Còn phong cách viết là sự sáng tạo trong cách lựa chọn, tổ chức ngôn từ theo ý đồ đã chọn.
Phong cách tạo nên dấu ấn, sự khác biệt, độc đáo để tạo ấn tượng với người đọc.
Có người sẽ thường xuyên dùng phong cách kể chuyện để chia sẻ, còn người thích sử dụng những lập luận logic, có người thường trích dẫn và sử dụng thơ, ca…
Phong cách viết thông thường phụ thuộc vào hai yếu tố:
- Vốn liếng ngôn ngữ: Từ vựng; khả năng diễn đạt, nói; viết; khả năng đọc hiểu và khả năng tổ chức ngôn từ, biến từ vựng thành những câu, bài hoàn chỉnh
- Vốn liếng văn hoá: vốn sống & hiểu biết văn hoá, xã hội, lịch sử, con người. Những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân, tư tưởng, trình độ nhận thức của người viết….vv
Thường xuyên quan sát, phân tích đúc kết những việc mình làm, các hiện tượng cuộc sống sẽ khiến chúng ta có được cái nhìn sâu sắc, đa chiều, độc đáo về mọi hiện tượng xảy ra. Từ đó làm phong phú thêm chất liệu trong quá trình sáng tạo.
Hiểu rõ về nền tảng, kênh truyền thông
Chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây, kể từ khi internet bùng nổ, đã xuất hiện rất nhiều nền tảng truyền thông như facebook, youtube, blog, tiktok…vv Mỗi nền tảng sẽ có những thuật toán, tiêu chuẩn khác nhau để quy định và kiểm soát nội dung đăng tải.
Do đó, mỗi nền tảng chúng ta sẽ có các dạng content tương ứng, đồng thời cách viết và cách triển khai cũng sẽ khác nhau.
Định dạng blog dành cho những bài viết dài 5000 và không tối ưu cho những kênh chia sẻ thông tin dạng ngắn như instagram, facebook, tiktok…
Cách để viết một email chăm sóc khách hàng định kỳ cũng sẽ khác với cách để lên một kịch bản video trên youtube…
Mỗi nền tảng sẽ có những không gian, chức năng, sân chơi với ưu nhược điểm khác nhau. Người sáng tạo content marketing cần nắm rõ tính chất và đặc trưng của nền tảng để có thể sản xuất nội dung phù hợp, tối ưu và mang lại hiệu quả.
Hiểu rõ những tiêu chuẩn và quy tắc của nền tảng, cũng giúp chúng ta tranh được các sai lầm vi phạm điều khoản của nền tảng, đồng thời biết cách sáng tạo những nội dung được hỗ trợ phân phối để gia tăng tiếp cận và tối ưu hiệu quả nội dung, tránh được những tổn thất không đáng có cho doanh nghiệp.
Kết luận
Viết content nói chung và content marketing nói riêng là công việc có liên quan đến sử dụng, vận dụng ngôn ngữ.
Ngôn ngữ đóng vai trò là công cụ quan trọng để thể hiện ý tưởng, triển khai chiến lược nội dung. Tuy nhiên bên cạnh ngôn ngữ, còn có rất nhiều yếu tố khác có vai trò quan trọng và quyết định tới hiệu quả của content marketing.
Do đó, không ngừng học hỏi trau dồi về các yếu tố phi ngôn ngữ và ngôn ngữ kể trên này sẽ giúp bạn ngày càng hoàn thiện, có tư duy sắc bén, uyển chuyển, linh hoạt trong quá trình tạo ra nội dung để đạt được mục đích của mình!
Chúc bạn thành công!