Bí ý tưởng - Kiếp nạn Content nào cũng phải vượt qua
Bí ý tưởng là tình trạng content nào cũng gặp phải, dù là những content mới vào nghề hay những content lão làng, kinh nghiệm lâu năm cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên chỉ cần hiểu rõ bản chất mục tiêu của việc viết thì chúng ta sẽ luôn có cách để có thể vượt qua được trạng thái bế tắc ý tưởng này.
1. Bí ý tưởng là tình trạng như thế nào?
Bí ý tưởng là tình trạng chúng ta không tìm ra được chủ đề để viết, lạc lối và không biết bắt đầu từ đâu. Đây là tình trạng thường hay gặp phải của khá nhiều Content writer mới vào nghề.
Ví dụ, bạn đề ra một mục tiêu là lên kế hoạch để viết content hàng ngày trên trang cá nhân hoặc một blog/fanpage nào đó. Nhưng nghĩ mãi, lướt hàng loạt bài trên các fanpage khác, lướt tiktok hàng giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa tìm ra ý tưởng nào?
Hoặc trường hợp khác là bạn đang làm content cho một thương hiệu/KOL hay nhãn hàng nào đó. Bạn được giao chỉ tiêu hôm nay phải viết được 1-2 bài để quảng cáo, PR cho sản phẩm đó. Nửa ngày trôi qua gần tới hạn deadline nhưng bạn vẫn chưa nghĩ ra ý tưởng nào để có thể hoàn thành bài viết đúng hạn.
Những lúc này rất nhiều bạn sẽ cảm thấy hoảng, lo lắng và bắt đầu rối. Càng rối thì càng khó để “bật” ra những ý tưởng hay ho và bế tắc lại càng bế tắc.
2. Cần làm gì khi rơi vào tình trạng bế tắc ý tưởng?
Ý tưởng là thứ đầu tiên cần có trước khi có một bài viết.
Do đó nếu chúng ta có phương pháp để xác định ý tưởng đúng thì đã đi được 50% quãng đường để có một content tối ưu và hiệu quả.
Khái niệm bài viết content hiệu quả xem thêm tại Những yếu tố tạo nên content thu hút, hiệu quả?
Một sai lầm hầu hết các bạn content mới mắc phải đó lướt facebook, tiktok hàng giờ trong vô định để tìm ý tưởng. Tuy nhiên, càng đọc nhiều, xem nhiều các bạn càng bị “rối loạn”, bị “ngợp”, cuối cùng bước ra từ các nền tảng mạng xã hội với một năng lượng cạn kiệt và không biết viết gì? Ngay từ đầu các bạn đã không có những câu hỏi định hình về mục đích của bài viết thì sẽ không biết cần phải tìm cái gì? Tìm ở đâu? Bao nhiêu là đủ? Đó là tình trạng lạc lối của content-er. Khi đã lạc lối thì bế tắc hoàn bế tắc.
Vây chìa khoá để tháo gỡ tình trạng này là gì? Trước khi bắt tay vào suy nghĩ chủ để hoặc viết thì các bạn content cần trả lời 2 câu hỏi TỬ HUYỆT và QUAN TRỌNG:
Bạn đang viết cho ai?
Khách hàng của bạn là ai? Đối tượng độc giả sẽ đọc nội dung của các bạn là gì? Họ là những người như thế nào? Có tính cách, đặc điểm gì? Họ ưa thích đọc những nội dung về vấn đề gì?
“Có hiểu mới có thương - Có hiểu mới thành bạn được”. Do đó, chúng ta muốn viết hay, muốn viết trúng đích mối quan tâm của khách hàng, chúng ta phải rất hiểu họ. Hiểu họ đang muốn nghe về điều gì? Cần nghe về điều gì? Bạn có thông tin nào nhất định phải chia sẻ và nói cho họ biết…
Tất cả những người làm nội dung thành công đều bắt nguồn từ việc “xây dựng một mối quan hệ sâu sắc và mật thiết với khách hàng”. Đó là bước đầu tiên để chúng ta đi đúng đường.
Bước thứ 2 chúng ta cần hiểu: Chúng ta: Sản phẩm, thương hiệu đang có gì?
Định vị, tính chất thương hiệu, sản phẩm là gì?
Nếu chúng ta viết cho chính mình thì chúng ta cần biết mình có gì? Mình muốn chia sẻ thông tin và giá trị của mình ở mảng nào? Những tài năng, vốn sống, kinh nghiệm của mình là gì?
Đó chính là định vị thương hiệu cá nhân và từ đó định hình phong cách viết, nội dung… của mình.
Tương tự khi viết cho một sản phẩm, thương hiệu nào đó chúng ta cũng cần phải biết rõ định vị của thương hiệu là gì? Thương hiệu này cao cấp hay tầm trung, hay phổ thông? Đối tượng hướng đến là dành cho đại đa số hay có chọn lọc? Những giá trị đặc biệt, đặc sắc, độc đáo của thương hiệu tương ứng với định vị đó là gì?
Chỉ khi chúng ta hiểu rất rõ tính chất, đặc điểm của thương hiệu, sản phẩm mới biết nội dung nào được phép hay không được phép viết? Chủ đề nào là phù hợp hay không phù hợp.
Ví dụ, có những thương hiệu và nhãn hàng định vị mình là đơn vị cung cấp sản phẩm giáo dục về đạo đức, nhân cách thì sẽ không thể lựa chọn những bài viết mang tính chất chiêu trò, dụ dỗ, câu like được. Mỗi thương hiệu sẽ có một định vị riêng và từ đó việc lựa chọn chủ đề, phong cách viết cũng sẽ tương ứng với định vị đó.
3. Một số mẹo khai thông sự “bế tắc” - tìm kiếm ý tưởng đột phá
Sau đây là những mẹo để giúp các bạn vượt qua khoảnh khắc bế tắc ý tưởng và không biết viết gì trong làm content.
Copycat - Mô phỏng, bắt chước
Copycat tức là mình mô phỏng, học hỏi cách làm của người khác sau đó mày mò, sáng tạo thêm theo cách riêng của mình.
Ví dụ, bạn đang tìm kiếm chủ đề để viết bài cho một hãng thời trang. Bạn sẽ tìm kiếm những topic có sẵn trên web, facebook, youtube…vv của những thương hiệu cùng phân khúc để tìm xem chủ đề nào đang nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả?
Đó là một trong những cách tìm chủ đề nhanh nhất, và cũng đem lại hiệu quả vì đã được kiểm chứng về mức độ quan tâm.
Phần còn lại là các bạn tìm kiếm thêm những chất liệu, câu chuyện về sản phẩm, thương hiệu để làm mới nội dung, tạo ra giá trị tăng thêm cho nội dung đó sao cho sát nhất với thương hiệu của mình.
Ví dụ. Các bạn đang viết bài về ngành thời trang thì tìm kiếm chủ đề được nhiều người quan tâm trên các kênh của các nhãn hàng thời trang, diễn đàn…Sau đó sáng tạo nội dung, tạo ra content mới từ chủ đề này.
Phát triển từ một ý nhỏ
Có thể chọn ra một ý nhỏ trong các nội dung đã viết trước đó để đào sâu khai thác ý tưởng này.
Ví dụ, bạn làm content cho một nhãn hàng mỹ phẩm. Thay vì viết một nội dung tổng hợp tất cả các chức năng, đặc điểm, công dụng sản phẩm đó. Thì có thể chọn ra một công dụng để xoáy sâu vào nó. Mở rộng thêm các vấn đề liên quan, từ đó giúp người đọc hiểu sâu, chi tiết hơn về công dụng và cách ứng dụng chức năng, tính chất đó của sản phẩm vào thực tế
Tìm kiếm chủ đề từ tựa sách
Đây là mẹo rất hữu ích giúp bạn có thể khơi thông ý tưởng ngay lập tức và có thể có những ý tưởng đột phá.
Bởi để ra được tựa đề của một cuốn sách người ta đã phải nghiên cứu rất kỹ lường, thấu hiểu sâu sắc và chắt lọc insight (mối quan tâm) của độc giả/khách hàng. Hãy chọn những cuốn sách cùng chủ đề, đối tượng mà thương hiệu, sản phẩm các bạn hướng tới.
Ví dụ, viết về chữa lành thì tìm tựa đề những cuốn sách về chữa lành. Viết về digital marketing thì tìm tựa đề các sách viết về marketing, khách hàng, content…vv
Chưa kể các tiêu đề sách thường sử dụng nghệ thuật sử dụng ngôn từ khiến cho câu từ trở nên đặc sắc, thu hút được độc giả.
Bắt trend, thông tin thời sự
Đây là những chủ đề nóng hổi được sự quan tâm và chú ý của độc giả. Do đó, nếu khai thác các chủ đề này và khéo léo lồng ghép được các yếu tố của thương hiệu, sản phẩm vào bài viết thì chúng ta sẽ tận dụng được sức lan toả, và hiệu ứng do các thông tin này mang lại.
Ví dụ. Nếu thông tin thời sự là sắp tới sẽ có đợt nắng nóng kéo dài 40 độ C. Thì những bạn làm content về nước giải khát, về dịch vụ xe đưa đón, nghỉ mát…vv rất nên tận dụng thông tin này để phát triển content, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ của mình đi theo đó.
Tạo ra một danh sách tổng hợp các chủ đề
Đây là một trong những phương án dự phòng rất hay có thể giúp các bạn thoát khỏi tình trạng bế tắc ý tưởng một cách nhanh chóng.
Đây có thể là bộ sưu tập những bài viết hay mà các bạn tìm kiếm, nghiên cứu được mà chưa sử dụng tới. Hoặc những ý tưởng bất chợt nảy ra trong đầu được bạn ghi chép lại, tổng hợp những chủ đề được quan tâm nhất về nội dung của bạn trong những năm trước.
Bộ sưu tập này chính là “kho chứa” với những chất liệu sẵn có dồi dào, giúp bạn có thể ngay lập tức có được ý tưởng mà không cần mất quá nhiều thời gian. Đồng thời nó cũng là chất xúc tác giúp bạn phát triển những ý tưởng hay ho được ấp ủ trước đây mà vô tĩnh bỏ lỡ hay chưa thực hiện được.
Kết
Trên đây là những chìa khoá cốt lõi nhất để giúp bạn tìm được chủ đề ĐÚNG HƯỚNG, TỐI ƯU và HIỆU QUẢ.
Trước khi viết content hay, hấp dẫn cần viết đúng. Do đó, có một tư duy đúng từ việc tìm ý tưởng sẽ giúp các bạn đi đúng đường ngay từ đầu, tạo đà cho một content nhắm trúng đích và mang lại hiệu quả.
Ý tưởng hay sẽ tạo nên một content hay!
Chúc các bạn thành công!